Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2018

Thơ Ả Rập - Abū-Nuwās


Abū-Nuwās (750 – 810) – là một trong những nhà thơ Ả Rập xuất sắc thời trung cổ. Ba trăm năm trước Omar Khayyam, Abu Nuwas nói về cuộc đời người ngắn ngủi, khuyên người đời hãy biết quí trọng mỗi phút giây của cuộc đời mình và hãy biết vui với tình, như là thứ an ủi duy nhất để quên đi những sóng gió ba đào của số kiếp. 

Tiểu sử
Abū-Nuwās sinh ở Ahvaz, Ba Tư, xuất thân từ gia đình nghèo. Abū-Nuwās là nhà thơ tiêu biểu của “phong cách mới”, thời đại nhà nước Ả Rập trở thành Khalifat. Thơ của Abu Nuwas nổi tiếng thế giới lần đầu tiên in bằng tiếng Đức năm 1855 do các nhà khoa học Ả Rập sưu tập thành tuyển tập có tên gọi “Divan”. Các nhà nghiên cứu châu Âu gọi Abu Nuwas là “Anacreon của Ả Rập” hay “Heine của Ả Rập”. Những đề tài chính của thơ Abu Nuwas là về rượu (khamriyyat), và tình yêu với người cùng giới (mudhakkarat).

Là người theo chủ nghĩa khoái lạc, Abu Nuwas đề cao cuộc sống tự do, đề cao rượu và tình ái, trở thành một nhân vật huyền thoại của “Nghìn lẻ một đêm” và nhiều giai thoại cũng như truyện tiếu lâm Ả Rập. Abu Nuwas là nhà thơ có sự ảnh hưởng đến nhiều nhà thơ lớn của Ả Rập và Ba Tư sau đó như Omar Khayyam, Hafez…

Thư mục
*O Tribe That Loves Boys. Hakim Bey (Entimos Press / Abu Nuwas Society, 1993). With a scholarly biographical essay on Abu Nuwas, largely taken from Ewald Wagner's biographical entry in The Encyclopedia of Islam.
*Carousing With Gazelles. Subtitle: Homoerotic Songs of Old Baghdad. Translated by Jaafar Abu Tarab. New York, 2005.
*Jim Colville. Poems of Wine and Revelry: The Khamriyyat of Abu Nuwas. (Kegan Paul, 2005).
*Philip F. Kennedy. The Wine Song in Classical Arabic Poetry: Abu Nuwas and the Literary Tradition.. (Open University Press, 1997).
*Philip Kennedy: Abu Nuwas: A Genius of Poetry, OneWorld Press, 2005. 




9 bài thơ

HÃY NHẪN NHỤC

 Hãy nhẫn nhục, đằm thắm với người tình
Đường tình yêu là con đường dịu êm.
Chớ giận người khi người ta đột ngột
Giận dỗi, lạnh lùng và thích cô độc.
Đừng lặng im, cau có, cằn nhằn
Vũ khí của anh – những lời dịu êm.
Trong đêm vắng lời nhắc đi nhắc lại
Và người sẽ là của anh mãi mãi.


TÔI ĐAU ĐỚN

Tôi đau đớn, tôi gọi ông thầy thuốc
Nhưng ông thầy bệnh tôi không chữa được.
“Không phải tôi chữa được bệnh của anh
Mà cái người anh thường nói: “Yêu em”.

Không thầy thuốc mà gọi người yêu anh
Bệnh của anh, bệnh tai ác – bệnh tình”.


HOA HỒNG ĐANG MỈM CƯỜI

Hoa hồng đang mỉm cười
Con suối kêu róc rách.
Hoạ mi cao giọng hát
Giữa xanh thắm bầu trời.

Bạn bè tôi uống rượu
Cùng với tôi ngoài trời.
Không có gì trên đời
Quí hơn tình bạn hữu.

Dưới chén tròn vành vạnh
Trong say đắm mùa xuân
Uống rượu cùng bè bạn
Và vui vẻ, hân hoan.

Họ không tìm giàu có
Và không kiếm vinh quang
Mà uống say rồi nằm
Lăn ra trên thảm cỏ.


HÔN ANH NÀO

Hôn anh nào, anh xin
Và em không từ chối
Em hạnh phúc, còn anh
Ngỡ rằng quá ít ỏi.

Hôn anh thêm lần nữa
Thật hào phóng, đừng nhìn.
Chẳng lẽ nào em nỡ
Keo kiệt thế với anh?

Cười với tôi người yêu
Rồi hôn tôi lần nữa:
“Nếu mà em cứ chiều
Anh sẽ còn đòi nữa.

Như trẻ con, chẳng khác
Khi được tặng đồ chơi
Chưa kịp chơi thoả thích
Đã đòi cái khác rồi”.


CHO EM VUI

Cho em vui – anh chết vì đau khổ
Im lặng muôn đời… Điều này không lâu nữa.

Con tim em sẽ dễ dàng quên anh
Còn anh chết – giữ lời hứa trung thành.

Dưới trăng này tất cả đều thay đổi
Em phụ tình anh, em lạnh lùng đến vậy.

Nhưng nếu trong mắt em anh chẳng ra gì
Thì sự thật muôn đời em chẳng nhìn ra.


ÔI ĐÊM NÀY TUYỆT VỜI

Ôi đêm này tuyệt vời
Đêm dịu dàng âu yếm
Tôi với người yêu tôi
Nâng chén tình uống cạn.

Tôi hôn em say đắm
Em hào phóng với tôi
Tôi hạnh phúc trọn vẹn
Với em trong đêm này.


TÔI CHẲNG BAO GIỜ

Tôi chẳng bao giờ từ chối rượu vang
Lên môi hồng chỉ muốn hôn không ngừng.

Khi sợi chỉ cuộc đời còn chưa đứt
Thì lạc thú của đời cần nắm bắt.

Hãy uống rượu và biết vui với tình
Bởi trên đời chẳng gì tuyệt vời hơn.

Khi hoa hồng nở rộ trên đôi má
Thì tất cả sự tuyệt vời trong đó.

Những ngón tay thanh mảnh ôm chén tròn
Là vẻ đẹp kỳ diệu chốn trần gian.



TA UỐNG RƯỢU LÂU NĂM

Ta uống rượu lâu năm
Hôn người em duyên dáng
Điều gì đến cứ đến
Ta đây chẳng bận lòng!

Một khi chưa vỡ tung
Sợi dây từ cuộc sống
Thì ta đây vẫn uống
Nước đắng này là vàng.

Ta chẳng giấu gì em
Ta trao em tất cả
Vì nụ cười tươi trẻ
Vì rượu, vì tình em.

Bàn tay đẹp của em
Hãy cầm lên bát rượu
Hãy uống cạn tận đáy
Và trả lại chén không.

Đưa bàn tay cho anh
Hãy chìm vào quên lãng
Hãy mở bờ môi thắm
Đón nhận một nụ hôn!


KHÓC MÀ LÀM GÌ EM

Khóc mà làm gì em
Tiếc thương gì quá khứ
Hãy rửa mặt, vui vẻ
Hãy uống rượu và quên.

Rượu vang có mùi hương
Làm sảng khoái tâm hồn
Bình rượu còn đầy ắp
Hãy rót rượu đi em!

Mọi thứ ở trần gian
Đều không là vĩnh cửu –
Ôm ấp và ân ái
Ngày vui sẽ chóng tàn.

Nhưng còn lại rượu vang
Cho niềm vui mãi mãi
Với bạn bè vui vẻ
Xua đi những nỗi buồn! 

Thơ Ả Rập - Qays ibn al-Mulawwah


Qays ibn al-Mulawwah là nhà thơ người Bedouin yêu Layla ibn bint Mahdi Sa'd là người cùng bộ lạc. Chàng trai làm thơ ca ngợi tình yêu dành cho Layla. Sau đó chàng xin phép bố của Layla để cưới cô làm vợ thì bị từ chối vì theo phong tục của bộ lạc, điều này sẽ làm chia rẽ bộ tộc. Sau đó Layla được gả cho một người đàn ông khác. Khi nghe tin Layla sắp lấy chồng thì Qays liền bỏ nhà đi vào sa mạc, người thân và gia đình hết sức thuyết phục chàng nhưng không thể, họ đành để đồ ăn cho chàng giữa sa mạc. Đôi khi họ nhìn thấy chàng đang đọc thơ về Layla cho chính mình hoặc dùng gậy viết thơ lên cát. Còn Layla theo chồng về Iraq, sau một thời gian đã đổ bệnh và chết. Sau đó một thời gian người ta cũng tìm thấy xác của Qays nằm trên mộ của một người phụ nữ không rõ danh tính. Chàng đã viết ba dòng thơ cuối cùng lên phiến đá trên mộ. Phần lớn thơ của Qays ibn al-Mulawwah được viết trước ngày chàng trở thành người điên. Người đời hiểu rằng Qays trở thành điên là vì tình, bởi thế họ gọi Qays là “Chàng điên Layla” (tiếng Ả Rập: مجنون ﻟﻴﻠﻲ‎‎ - điên vì tình) hoặc đơn giản là Majnun.

Qays ibn al-Mulawwah và giai thoại tình yêu nổi tiếng thế giới

Từ câu chuyện dân gian Ả Rập “Layla và Majnun” đã đi vào văn học Ba Tư. Người đầu tiên trong số các nhà thơ Ba Tư viết về câu chuyện tình của Layla và Majnun là nhà thơ Rudaki, thế nhưng câu chuyện thực sự nổi tiếng sau khi trường ca Layla và Majnun của nhà thơ Nezami (thế kỷ thứ 12) ra đời. Nezami thu thập tất cả những chi tiết thần bí lẫn đời thường của câu chuyện rồi mô tả thành một bức tranh sống động về hai người yêu nhau. Bằng trường ca Layla và Majnun, Nezami đã có sự ảnh hưởng lớn đến nền văn học Ba Tư, nhiều nhà thơ Ba Tư sau đó đã đi viết về đề tài này. Trường ca Layla và Majnun của Nezami mang nhiều nét riêng biệt của văn hóa Ba Tư về quan hệ giữa các nhân vật, về thời gian, nơi chốn vv… Trong trường ca này Layla và Majnun quen biết nhau và họ rơi vào một tình yêu tuyệt vọng từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ yêu nhau tha thiết nhưng không thể gặp nhau công khai vì một sự hằn thù giữa hai gia đình và Layla bị gia đình buộc đi lấy người khác.

Bằng cốt truyện như vậy, câu chuyện Layla và Majnun trở thành một bi kịch của tình yêu bất tử mà 400 năm sau đó William Shakespeare cũng đi theo cách này trong bi kịch Romeo và Juliet. Có những ý kiến, bị các nhà nghiên cứu Shakespeare phản bác, cho rằng bản dịch trường ca Layla và Majnun của Nezami đã có ảnh hưởng đến William Shakespeare khi ông viết Romeo và Juliet.

Theo truyền thống văn hóa Ả Rập, tình yêu của Layla và Majnun được gọi là tình yêu trinh khiết (tiếng Ả Rập: حب عذري, tiếng Anh: Virgin Love, tiếng Ý: Amore Vergine) – nghĩa là những người yêu không bao giờ cưới và chưa bao giờ ân ái với nhau về mặt thể xác. Mô-típ này trở thành phổ biến hầu như khắp thế giới, những câu chuyện tình yêu như “Qays và Lubna”, “Kuthair và Azza”, “Marwa và Al Majnoun Al Faransi”, “Antara và Abla” đều sử dụng mô-típ này. Nhà nghiên cứu người Ba Tư Hekmat thống kê được không dưới 40 phiên bản tiếng Ba Tư và 13 phiên bản tiếng Thổ Nhĩ Kỳ của câu chuyện tình “Layla và Majnun”. Còn nhà thư mục Vahid Dastgerdi thì cho rằng nếu đi tìm ở các thư viện khắp thế giới thì sẽ có không dưới 1000 phiên bản của “Layla và Majnun”.



7 bài thơ

TRONG NGỰC TÔI

Trong ngực tôi con tim ai đang gióng
Tôi gọi em nhưng mà em im lặng.

Con tim tôi khổ vì mối âu lo
Tai hoạ này chẳng biết ở đâu ra?

Từ ngày gặp Layla tôi lâm vào tai hoạ
Con tim tôi đau mọi thời gian, mọi ngả!

Có phải mọi người tim đều thế này chăng?
Xin Thượng Đế cho cuộc đời chẳng còn tim!


TÔI ĐAU VÌ TÌNH

Tôi đau vì tình
một nỗi buồn không thể tả.
Tai hoạ ở rất gần
còn em thì đâu đó.

Tôi đang đánh mất niềm hy vọng
đã quen với chia ly.
Người yêu tôi im lặng
coi tôi chẳng ra gì.

Tôi như con chim non
sa vào lưới tình tuyệt vọng
Có một bàn tay vô hình
giữ tôi trong tù hãm.

Giống như con trẻ chơi đùa
nhưng với con chim bị bắt
Trò chơi này có lẽ là
sẽ trở thành cái chết.

Giá mà tôi được thoát ra!
nhưng chẳng biết là có đáng.
Vì con tim cứ hướng tới người ta
mà dây xích thì rất ngắn.
  

MỘT GÃ CUỒNG

Anh làm gì ư, một gã cuồng
trong buổi chiều xanh thẫm
Anh vẽ hình em trên cát trắng
và anh nói chuyện với đồng hoang.
Anh nghe tiếng kêu của quạ khoang
rơi xuống đất trong đau đớn
Và ngọn gió buồn đang quét đi
bức vẽ của anh trên cát trắng.


TÔI ĐANG YÊU

Tôi đang yêu – cơn khát trên sa mạc
không khát bằng cơn khát tình tôi.
Tôi đang yêu - đã cạn khô nước mắt
vì những đêm không ngủ của tôi.
Tôi đang yêu – tôi đã quên cầu nguyện
tôi như một kẻ cuồng điên
Tôi đang yêu – không còn tơ tưởng đến
đền Kaaba và Kinh Koran.


CON XIN THƯỢNG ĐẾ

Con xin Thượng Đế một điều mong
ngoài ra – không còn gì khác:
Hãy cứu người yêu con khỏi đau buồn
cứu người con yêu khỏi điều ác.

Con chẳng cần gì nhiều hơn
Ngài đã rất hào phóng
Tặng cho con tình yêu là sung sướng
là nguồn sáng, là cứu rỗi của con.

Một ngày còn sống – còn yêu và tin
còn hy vọng và chịu đựng
Chỉ tôn thờ một thần tượng
và báu vật gắng giữ gìn.



CHỈ CÓ KẺ ĐANG YÊU

Chỉ có kẻ đang yêu
có quyền được gọi là người.
Ai sống mà không yêu
là mắc tội phạm thánh đấy thôi.

Người tôi yêu bảo tôi như vậy:
“Em chẳng có gì tiếc thương
Chỉ cần được nhìn thấy anh
chỉ cần được chờ anh, mong đợi”.

Chỉ ghen tỵ với kẻ đang yêu
với hạnh phúc nhường ấy
Là niềm khoái lạc ngọt ngào
là gia tài không thể đổi.


TÔI HÔN LÊN DẤU CHÂN

Tôi hôn lên dấu chân của người yêu trên đất
Nó là thằng điên! – Thiên hạ nói về tôi.
Tôi hôn lên đất sét và tôi hôn lên cát
Nơi tôi nhìn ra có dấu chân người. 

Tôi hôn lên đất, hôn lên dấu vết
Tôi trở thành điên trước mặt mọi người. 
Giờ tôi sống một mình trên sa mạc
Chỉ thú rừng là bè bạn của tôi.



Kabul thất thủ. Người A Phú Hãn đu càng rơi từ độ cao gần 1000 mét xuống đất vần còn khóc.


Thơ Ả Rập - Omar ibn Abi Rabia


Omar ibn Abi Rabia (644– 712/744) – nhà thơ Ả Rập chủ yếu sáng tác tác bằng thể thơ ghazal.

Tiểu sử
Omar ibn Abi Rabia sinh ra trong một gia đình giàu có của bộ tộc người Quraysh ở Mecca. Ông nổi tiếng bởi những bài thơ tình, ca ngợi tình yêu thể xác được tầng lớp quí tộc đương thời yêu mến.

Omar ibn Abi Rabia được coi là một trong những nhà thơ khởi xướng thể thơ ghazal trong văn học Hồi giáo.

Thư mục
*Nickolson, A literary history of the Arabs, L., 1907
*Kremer, Kulturgeschichte des Orients unter den Chalifen, Wien, 1875–1877
*Hartmann M., The arabic Press in Egypt, 1899; Huart, Littérature arabe, P., 1902
*Крымский А. Е., акад., Арабская поэзия в очерках и образцах, М., 1906
*Зайдан Ж., Та’рих ат-Тамаддун-аль-ислами, Бейрут, 1902–1906 



Divan của Omar ibn Abi Rabia

9 bài thơ

DÙ KHÔNG MONG ĐỢI

Dù không mong đợi, nhưng tôi nhớ
Về một người phụ nữ như phép màu.
Đôi chân thon thả và căng mọng cặp đùi  
Tôi sẽ không quên cho đến ngày xuống mộ. 

Tôi đã từng tận hưởng nhiều thích thú
Đã từng bóp bao bộ ngực căng tròn
Tôi thề với bình minh và với hoàng hôn
Điều này không hề lỗi lầm gì cả. 

Còn bây giờ tôi tự mình an ủi
Vì chưa bao giờ trách cứ gì em
Tôi gọi em: “Đến làm khách nhà anh
Em sống ra sao ở miền xa ngái?”

Cám ơn bề trên đã rủ lòng thương
Cho gặp em, một người hay ghen tỵ
Tôi mong em như một cơn mưa nhỏ
Và yên bình như dòng nước mùa xuân!

Và em giống như một con linh dương
Trên đồi cỏ non tung tăng nhảy múa
Như mặt trăng dịu dàng trong đêm tối
Với vũ điệu vui trong một vòng tròn. 

Giờ lại khát khao hò hẹn cùng em
Giờ tôi ước ao và tôi mong mỏi
Em cứ khổ đau như tôi đau khổ
Và hãy ghen như em vẫn từng ghen!

Tôi đâu phải người theo dõi gì em
Làm cho em ngại ngùng lần gặp gỡ
Hay có ai đó tìm cách cản trở
Ghé tai em nói những tiếng thì thầm?



EM ĐẸP VÀ DUYÊN DÁNG

Em đẹp và duyên dáng
Mặt sáng hơn mặt trăng
Như trong đêm trăng tròn
Từ trên cao nhìn xuống. 

Bờ vai em hơi tối
Làn da thật mỏng manh
Và đôi môi nhẹ nhàng
Ngực cao và sôi nổi. 

Em lắc mông nhẹ nhàng
Rồi cất bước lên đường.
Anh không cần người khác
Dù một chút – vẫn không. 

Tôi nghe tiếng bước chân
Biết rằng em đang đến
Em có bao người bạn
Tôi sẽ mãi mãi quên. 

Chỉ một điều tôi biết
Cho cuộc sống tinh thần
Tâm hồn tôi cần em
Như thị và thính giác.



ĐÔI MẮT EM LẤP LÁY

Đôi mắt em lấp láy
Sau giấc ngủ qua đêm
Cả thành phố ngạc nhiên
Khi em đi qua đấy.

Tôi vô cùng bối rối
Hỏi nhỏ: “Em là ai?”
Tôi hỏi trong rụt rè
Không nhận ra mình nữa.

Em trả lời như vậy:
“Em là gái nhà lành
Em đang đi tìm anh
Mà không cần xấu hổ”.

“Em nói thật không đấy?” –
Tôi hỏi rất thật thà.
Em rằng: “Thánh Alla
Trừng phạt em như vậy”.

Tôi trả lời: “Nếu thế
Em sẽ khổ dài lâu”.
Em trả lời: “Cùng nhau
Ta chịu chung đau khổ”.


CHỈ MỘT MÌNH EM

Chỉ một mình em anh nhớ về
anh không ngủ trong đêm vắng.
Còn khi gần sáng anh ngủ mê
thì em lại đến trong giấc mộng.

Một phút ngỡ là muôn năm
khi em nơi xa vắng.
Còn khi bên em thì dù cả vĩnh hằng
rất nhanh và rất ngắn.


EM ĐẾN TRONG ĐÊM NÀY

Em đến trong đêm này
dịu dàng và đằm thắm
Và những giờ không ngủ vụt bay
trong đêm này rất sáng.

Bình minh đến chẳng hề mong
nhưng người yêu chưa cất bước.
“Em không giã từ anh, ồ không
em thốt lên trong nước mắt.


EM ĐÃ BỎ BÙA TÔI

Em đã bỏ bùa tôi
giống như người làm phép thuật
Như đội quân bao vây
một vương quốc và chiếm được.

Tôi mang ơn số kiếp
ca tụng phép yêu tinh
Ngợi ca phép lạ của nụ hôn
và ấn tượng mê hồn trong ánh mắt.

Em nói với tôi rằng: “Hẹn gặp!”
Nhưng chẳng biết đến bao giờ?
Em cười bảo: “Đến ngày kia!”
như mọi khi, em luôn tinh nghịch.



ANH YÊU NGƯỜI CON GÁI

Anh yêu người con gái đẹp xinh
anh hạnh phúc, sung sướng.
Đừng biến người ta thành thần tượng
thành thần thánh, thiêng liêng.

Đi đến gặp gỡ với người
thì tình yêu trao hết.
Nhưng chỉ ít khi đến thôi
kẻo lại rồi chán ngắt.

Đừng nhắc hoài: “Yêu em, yêu em!”
niềm hân hoan giảm bớt.
Gặp gỡ người chớ cầu xin
đừng van nài, đừng khóc.

Đuổi theo tình – tình bỏ
tai hoạ khôn lường:
Người ta sẽ trả lời: “không”
thay vì trước đây nói “có”.


CON TIM ANH ĐAU ĐỚN

Con tim anh đau đớn
vì ánh mắt của em!
Bước đi trong gió của em
như dương liễu đung đưa từ sáng sớm!

Rất khoan thai, uyển chuyển
hình dáng của em!
Em cười – anh như được hồi sinh
em quay đi – anh trở thành chết điếng.

Không ai biết được ta yêu nhau
ta gặp nhau không hề biết trước.
Tình yêu – gặp gỡ rồi ly biệt
tất cả số kiếp định rồi.


SUỐT CẢ ĐÊM KHÔNG NGỦ

Suốt cả đêm không ngủ
ta chỉ có một mình.
Chớ tranh luận với người yêu đẹp xinh
người tự đặt mình vào chỗ.
Người trở về thì ta vui vẻ
người ra đi tai hoạ khôn lường
Chia tay nhau – ta mất tất cả
nhìn thấy người – hồn lại hân hoan!




Thơ Ả Rập - Abu-l-'Atahiya


Abu-l-'Atahiya (tên đầy đủ: Abu Isħaq Ismā'īl ibn Qāsim al-ˤAnazī, 748 – 828) – nhà thơ, nhà triết học Ả Rập. Thơ của ông chủ yếu là những lời giáo huấn bằng thơ về sự phù vân của kiếp người, về cuộc sống phẩm hạnh.

Tiểu sử:
Abu l-Atahiyya sinh ở Kufa. Bố làm nghề cắt tóc, Abu l-Atahiyya biết làm thơ từ bé và được sự đón nhận của công chúng. Cuộc đời ông phần lớn sống ở Baghdad và ít có những biến cố lớn. Tình yêu của Abu l-Atahiyya dành cho Utba, vợ của Al Mahdi đã mang lại cho nhà thơ nhiều đớn đau và bất hạnh, đây cũng là một nguyên nhân chính biến nhà thơ dần dần trở thành người mang tâm trạng của một người theo đuổi chủ nghĩa khổ hạnh.

Sáng tạo của Abu l-Atahiyya có thể chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là nhà thơ trữ tình với những bài thơ tình viết về Utba tha thiết và say đắm. Dần dần chủ nghĩa khổ hạnh thay thế khuynh hướng trữ tình lạng mạn bằng những vần thơ suy ngẫm về tình yêu và cuộc sống mang đậm chất triết học mà, một mặt nào đó, được đánh giá là còn vượt cả nhà thơ mù Al Maarri. Cũng như nhiều nhà thơ đương thời, Abu l-Atahiyya là người có công trong việc đổi mới và sáng tạo, thổi một luồng gió mới vào thơ ca Ả Rập.

Abu l-Atahiyya mất vào khoảng năm 828 ở Baghdad.

Thư mục:
*Nickolson, A literary history of the Arabs, L., 1907
*Крачковский И. Ю., Поэтическое творчество Абу-ль-Атахии, Избр. соч., т. 2, М.—Л., 1956.



4 bài thơ

TÔI HỎI THÁNH ALA

Hỏi tôi Thánh Ala
với nỗi buồn và đau điếng:
“Có phải con yêu Utba
bằng tình yêu chân chính?”
Và tôi trả lời
bằng giọng chân thành:
“Tình của con như máu
chảy về tim.
Còn con tim của con –
Ngài xem! - đau lắm
Có vô số những vết thương
như dao chém.
Con đã hoài công
gọi về ông thầy thuốc
Nhưng bệnh của con
chỉ ngôi mồ chữa được.
Chỉ có áo quan
một màu trắng toát.
Chữa được tình yêu
không thể nào chia cắt.
Người mà con yêu
làm say mê người khác…
Con hiểu một khi yêu
thì khổ đau không thoát.



TUỔI TRẺ CỦA TA

Tuổi trẻ của ta hãy quay về
Ta gọi ngươi, ta khóc, ta đau khổ
Những sợi tóc của ta trắng xoá
Ta sẽ đem nhuộm đen đi
Ta bây giờ như cây cối mùa thu
Ta đứng một mình trong gió
Ta khóc về quá khứ
Những tháng năm hoài phí, lỡ làng trôi
Hãy quay về tuổi trẻ của ta ơi
Người sẽ không còn nhận biết
Kẻ tóc bạc này đã đánh mất
Điều may mắn cuối cùng.


SUỐT ĐÊM TÔI SƯỞI ẤM

Suốt đêm tôi sưởi ấm
Chiếc gối đã cháy lên
Linh hồn đã đóng băng
Chỉ cơn đau vẫn sống.

Chui vào máu của tôi
Người cho vay nặng lãi
Người không quen chờ đợi
Làm tôi phải rối bời.

Hạnh phúc một phút giây
Suốt đời tôi trả nợ
Em còn tìm đâu nữa
Kẻ ngốc ở trên đời?


EM TỎA SÁNG HẾT MÌNH

Em tỏa sáng hết mình
Bằng vẻ đẹp thanh xuân
Tiên nữ nơi xa ấy
Cũng không đẹp bằng em.

Bên em anh lãng quên
Đồng cỏ chốn thiên đàng
Quên dòng sông mật ngọt
Quên cảnh đẹp và tiên.



Thơ Ả Rập - Al-Ma‘arri


Al-Ma‘arri (tên đầy đủ: Abu al-'Alā Ahmad ibn 'Abd Allāh ibn Sulaimān al-Tanūkhī al-Ma'arri, 26 tháng 12 năm 973 –10 tháng 5 năm 1057) – nhà triết học, nhà ngữ văn, nhà thơ Ả Rập.

Tiểu sử:
Al-Maarri sinh ra trong một gia đình giàu có ở thành phố Ma`arat al-Numan, miền bắc Syria. Bị mù từ năm lên ba tuổi nhưng ông vẫn học rất giỏi. Ông được gia đình gửi sang Baghdad học nhưng hai năm sau phải quay về chịu tang mẹ. Từ đó ông chỉ học ở Syria. Al-Maarri yêu thích thơ của nhà thơ Al-Mutanabbi và tự coi là học trò của nhà thơ này.

Từ năm 1010 Al-Maarri sống thu mình, như ông nói là ở trong ba nhà tù: thể xác, bệnh mù lòa và sự cô đơn. Ông vẫn dạy học sống khiêm nhường bằng thu nhập từ nghề này và còn giúp đỡ được cho rất nhiều người nghèo khác. Thơ của ông đậm chất triết lý. Ông ca ngợi trí tuệ của con người như là cơ sở của sự nhận thức nhưng khẳng định rằng con người không thể đạt đến chân lý. Trong một số tác phẩm bằng văn xuôi ông không tán thành quan điểm cho rằng linh hồn con người là bất tử hoặc quan niệm của Kinh Koran về cuộc sống ở thiên đường sau khi chết mà cho rằng quả đất sinh ra trong một quá trình tự nhiên. Thơ của Al-Maarri viết bằng ngôn ngữ phức tạp và thường xuyên chơi chữ nên rất khó dịch ra các ngôn ngữ khác.

Thư mục:
*Reynold Alleyne Nicholson, 1962, A Literary History of the Arabs, page 317. Routledge
*Reynold Alleyne Nicholson, 1962, A Literary History of the Arabs, page 323. Routledge

*Широян С. Г. Великий арабский поэт и мыслитель Абу-ль-Аля аль-Маарри. М., 1957.
*Абу Аля аль-Маарри. Стихотворения. М., 1979

 

10 bài thơ

1***
Thời gian giống như con ngựa lao nhanh
Nhìn bốn xung quanh – đã sắp ngày tàn.

2***
Đừng phí công để tu sửa cuộc đời
Thánh Alah cũng nhầm lẫn đấy thôi.

3***
Đừng ghen tỵ với những người hạnh phúc
Họ cũng chết, tất cả tùy trường hợp.

4***
Tôi giấu ý nghĩ trong cõi kín thầm
Để chúng không làm phiền những người thân.

5***
Con người, nhà cửa, áo quần đều già
Chỉ ngày và đêm là luôn luôn mới
Quần áo cả tơ, tuổi trẻ của tơ
Đều phai nhạt theo dòng thời gian chảy.

6***
Người ta buồn vì linh hồn rất dễ
Chuyển nhập từ xác này sang xác nọ.

7***
Người cao thượng là người luôn cô độc
Giữa những người cùng giống nòi, bộ tộc.



8***
Nhìn những con người sống trên mặt đất
Có tư chất, nhưng số đông là ác.

9***
Tôi ra đi, nỗi đau đớn khôn nguôi
Cùng những bất hạnh bỏ lại trên đời.

10***
Xin hãy chớ nói rằng: “Ta trong trắng!”
Trong trắng làm sao giữa cuộc đời bụi bặm.




Thơ Ả Rập - Ibn Zaydún


Abu al-Waleed Ahmad Ibn Zaydún al-Makhzumi thường được gọi ngắn gọn là Ibn Zaydún (1003 – 1071) – nhà thơ Ả Rập – Tây Ban Nha trung cổ.

Tiểu sử:
Ibn Zaydún sinh ở Cordoba, trong một gia đình quí tộc Ả Rập giàu có và nổi tiếng. Ông và cha của Ibn Zaydún đều là những lãnh chúa có rất nhiều đất đai. Ibn Zaydún được giáo dục theo truyền thống và văn hóa Hồi giáo. Ông từng làm thư ký cho lãnh chúa Córdoba, sau khi bị dân chúng nổi dậy phản đối vì thuế khóa, ông đến Seville làm thầy dạy cho con cái của lãnh chúa Al Mutamid – cũng là một nhà thơ nổi tiếng đương thời. Ibn Zaydún lãnh nhiều sứ mệnh ngoại giao, đi đến nhiều quốc gia Hồi giáo và tham gia vào nhiều cuộc chinh phạt các quốc gia khác.

Ông là nhà thơ nổi tiếng bởi thơ tình. Hầu như toàn bộ thơ ông đều viết về công chúa Wallada bint al-Mustakfi – nữ thi sĩ, con gái của lãnh chúa Muhammad III of Córdoba. Tuyển tập Divan của ông là một trong những tác phẩm ít ỏi của thơ ca Ả Rập – Tây Ban Nha còn đến ngày nay. Ibn Zaydún là nhà thơ để lại nhiều dấu ấn trong văn học Ả Rập.

Thư mục:
*S. Jayyusi et al. (1992). The Legacy of Muslim Spain. pp. 343-347. BRILL
*SOBH, Mahmud, «Introducción» a su ed. de Ibn Zaydūn, Casidas selectas, Madrid, Cátedra (Letras Universales, 377), 2005, págs. 7-95.
*Cour A., Un poète arabe d’Andalousie, Ibn Zaidoun, Constantine, 1920.
*Крачковский И. Ю., Избр. соч., т. 2, М — Л., 1956;
*Aль-Фахури Х., История арабской литературы, т. 2, М., 1961;




7 bài thơ

ANH SẼ KHÔNG QUÊN

Anh sẽ không quên lời hứa của mình
Anh đặt vào đấy cả tâm hồn, trái tim!

Không bao giờ, ngày hay đêm cũng vậy
Lời hứa của mình anh sẽ không thay đổi.

Rằng chỉ mình em, chỉ một mình em
Là hiện thân điều mơ ước của anh!

Tình của em dù đam mê mãnh liệt
Chỉ cho anh một phần thôi cũng được.

Trong cách xa dù chỉ còn đêm
Anh xin em hãy nhớ về anh.

Và nếu cuộc đời anh, em cần đến
Anh sẽ nói: “Này đây, em hãy nhận!

Số phận anh là nô lệ của em
Số phận anh nằm trong tay em”.




ANH YÊU KẺ THÙ

Anh yêu kẻ thù, bởi em cũng không là bạn
Vì nếu khác, thì tại sao làm anh đau đớn?

Có phải em giận anh? Em hãy trả lời
Dù em không công bằng – anh chỉ trách mình thôi.

Em như mặt trời, nhưng dưới mặt trời có bóng
Em chiếu sáng đêm… và làm ngày tối sẫm.

Anh biết rằng lời than phiền sẽ tan tác như mây
Chỉ cần em thương cho kẻ bất hạnh này!


TÌNH EM LÀ KHO BÁU

Tình em là kho báu… Nhưng anh biết đâu tìm
Mặc cho vận may sẽ chỉ lối cho anh…

Trong đôi mắt anh giờ chia ly đã đến
Mắt khóc em và giã từ trong im lặng.

Số phận đang mỉm cười với anh lúc này
Nhưng hình bóng tuyệt vời của em không giấu được đám mây.

Em là cuộc đời anh, anh làm sao xa được
Nếu phải xa thì thà cho anh cái chết.

Than ôi, con mắt không sao giấu nổi tình anh
Gương mặt làm sao giấu được nỗi lòng.



EM QUYẾT ĐỊNH

Em quyết định số phận của anh thế nào cũng được
Anh không thể quên em, không có cách nào khác.

Chẳng lẽ đủ sức quên và có thể đổi thay
Người đã gắn bó với em bằng tình yêu này.

Anh cháy lên bằng tình em – đau đớn
Tình yêu là bệnh trong tim anh – đau lắm!

Nhưng khỏe mạnh anh cũng không muốn nào
Anh nói dối, xin cửa tự đóng vào.

Xin thề với Thánh Ala rằng yêu em, và chỉ
Sống để yêu em, không cần ai thay thế!


BIẾT NÓI SAO

Biết nói sao về cuộc đời cay đắng
Em là niềm vui, nỗi khổ của tôi
Tôi sẽ viết cho em một bức thư
Kể với em về những điều thầm kín.

Chỉ một mình Thánh Ala biết đến 
Rằng cuộc đời tôi chẳng có thành công
Rằng tôi không hề ngủ được hằng đêm
Không còn vui vì cơm ăn nước uống.

Tôi muốn trốn khỏi tháng ngày bận rộn
Nhưng cám dỗ mỗi ngày một mạnh hơn
Giống như ông già nhớ tuổi thanh xuân
Khi trước mặt trời – trước em – tôi đứng.

Nhưng mặt trời này bị mây bao phủ
Hay em là ánh trăng đêm, có thể?


EM RA ĐI

Em ra đi không phải vì ác cảm
Mà em đặt tôi vào chỗ chết người
Em không hề trách móc trước mặt tôi
Mà chỉ muốn thử thách lòng kiên nhẫn.

Em thích tôi đợi chờ em ra lệnh
Và tuân theo mỗi khi em cất lời
Có nhiều khi em đã cảm ơn tôi
Vì tôi vẫn vâng lời rất ngoan ngoãn.

Hỡi cành liễu! Trả lời cho câu hỏi:
Tôi phải làm sao để có tình yêu
Tôi phải làm sao để được yêu người
Để người yêu của tôi quay trở lại?


NHỮNG KHI KHÔNG CÓ EM

Những khi không có em ở bên mình
Tôi vẫn muốn nghe giọng nói của em
Khi với người dấu yêu trong ly biệt
Tôi vẫn hình dung ra giọng của em!

Tôi sợ nghi ngờ, sợ điều vu khống
Chỉ tình yêu thầm kín mới giữ hoa.
Tôi sẵn sàng chịu đựng và đợi chờ
Để cho niềm vui trở nên trọn vẹn. 




Thơ Ả Rập - Ibn Hamdis


Ibn Hamdis (tên đầy đủ: Abd al-Jabbār ibn Muhammad ibn Hamdīs, khoảng 1055 – 1133) – nhà thơ Ả Rập gốc Sicily, nổi tiếng với những bài thơ ca ngợi tình yêu và thiên nhiên.

Tiểu sử
Ibn Hamdis sinh ở Noto, gần Syracuse. Năm ông 31 tuổi, thành phố quê hương bị người Norman chiếm, Ibn Hamdis đi về miền Andalusia ở Sevilla của người Hồi giáo, kết bạn với hoàng tử Al Mutamid – cũng là một nhà thơ. Sau khi hoảng tử Al Mutamid chết (1095) Hamdis đến Algeria dưới sự bảo trợ của hoàng tử Al Mansur. Sau khi hoàng tử Al Mansur chết, Hamdis đến Madhiyya ở Tunisia làm khách của triều đại Zirid ở đây.

Ibn Hamdis từng đi đến tất cả những quốc gia Hồi giáo ở vùng Địa Trung Hải và mất năm 1133 ở Majorca. Di sản thơ ca của ông gồm hơn 6000 bài thơ, phần lớn trong số này bị ông làm thất lạc ở Sicily.

Thư mục
*Nickolson, A literary history of the Arabs, L., 1907
*Kremer, Kulturgeschichte des Orients unter den Chalifen, Wien, 1875–1877
*Hartmann M., The arabic Press in Egypt, 1899; Huart, Littérature arabe, P., 1902
*Зайдан Ж., Та’рих ат-Тамаддун-аль-ислами, Бейрут, 1902–1906 


5 bài thơ

EM ƠI HÃY Ở LẠI

Em ơi hãy ở lại cùng anh, hãy đợi
Đừng cười anh và em đừng đi vội!

Tất cả lại trở về và sẽ cháy lên
Ngọn lửa ngày nào vẫn ở trong tim!

Những đêm cô đơn, những ngày buồn bã
Cho anh khỏi u sầu – em đến nhé!

Anh trao em con tim và tấm lòng thành
Nhưng chẳng thấy gì, dù hy vọng mong manh!

Có phải em thích trò chơi như vậy?
Anh sẽ chịu đựng nhưng xin em ở lại!


NẾU PHẢI CHỌN

Nếu phải chọn giữa Em và Thế giới
Thì anh, tất nhiên, là sẽ chọn Em
Con tim anh tin chắc là như vậy.

Nhưng Lý trí dứt khoát: “Chọn Thế giới!”
Vì có lẽ Lý trí tin những lời
Về “Con tim Thông minh” thời thượng cổ.


ÁO VÁY CỦA EM

Áo váy của em giống như là bọt biển
Khăn choàng của em trong suốt hơn cả kính.

Em như con thuyền trong buổi sớm bình minh –
Bơi trong nắng mai, con thuyền em tròng trành.

Anh đến trong đêm để cùng em gặp gỡ
Mặt trăng bị những đám mây đen bao phủ.

Những ngôi sao như ngọc trai từ trên trời –
Như những mũi tên bay, lấp lánh khôn nguôi.

Và cuối cùng thì mặt trời đã mọc
Xua màn sương và bóng đêm dày đặc!


EM ĐẾN TRONG BỐI RỐI

Em đến trong bối rối, có ai nhìn theo không nhỉ?
Như con linh dương chạy trốn bầy thú dữ.

Em tỏa mùi hương như mùi của xạ hương
Và sáng sủa hơn long não gấp trăm lần.

Em mang đến sự bình yên cho trái tim bão tố
Dập cơn nóng của đam mê không thể nào kiềm chế.

Tôi uống khoái cảm từng ngụm, từng ngụm này
Như chim uống sương từ ngọn cỏ, cành cây.

Nhưng khi em về thì ánh nắng trong buổi sáng
Đột nhiên đi vào và trời trở nên tối hẳn ...

Lần gặp với em sao mà ngắn quá chừng
Như cuộc gặp của chú rể với cô dâu của mình.


BUỐI SÁNG TA RA VƯỜN

Buổi sáng ta ra vườn
Bền bờ suối lặng yên
Ánh mặt trời tỏa sáng
Nước giống như mép gươm.

Dòng nước suối phản chiếu
Từng tia nắng mặt trời
Trong bóng của tán cây
Cá bơi qua bơi lại.

Bình lớn chứa rượu đầy
Ta – tín đồ của rượu
Uống chất lỏng rực cháy
Cả vũ trụ đều say.

Bát đựng nguồn nước sống
Rót đầy đến tận vành
Và hơi rượu bốc lên
Lay ta như ngọn sóng.

Em rót cho tôi uống
Tôi uống với người yêu
Dòng suối cũng rì rào
Bình cũng say chuếnh choáng.

Những quả cam trên cành
Ánh vàng hơn dưới nắng
Hoa cháy như ngọn nến
Trong buổi sáng dịu êm.

Những con chim hót vang
Vị tha và hào phóng
Dường như chim cũng muốn 
Làm say cả khu vườn.

Tiếng dòng suối thì thầm
Tiếng suối không ngừng chảy
Họa mi không mệt mỏi
Họa mi hót không ngừng.

Chỉ mình tôi ước mong
Chỉ mình tôi hy vọng
Như cây trước gió mạnh
Tôi kiệt sức vì tình.
  

Thơ THỔ NHĨ KỲ - Pir Sultal Abdal


Pir Sultal Abdal (1480 – 1550) – nhà thơ của giáo phái Alevi (Thổ Nhĩ Kỳ). Thơ ông phản ánh đời sống xã hội, văn hóa và tôn giáo của nhân dân. Ông là một nhà nhân văn viết về tình yêu, hòa bình, Thượng Đế và cái chết. Ông cũng là một người phản đối mạnh mẽ chế độ độc tài hà khắc, kêu gọi nhân dân đứng lên chống lại chế độ độc tài và kết quả là ông bị treo cổ bởi độc tài Hizir Pasha. Hiện có ít nhất sáu nhà thơ lấy bút danh Pir Sultal Abdal.

5 bài thơ

KHÔNG CẦN HỌA MI

Không cần hoạ mi hót trong vườn anh
Không có em trong nỗi buồn đang cháy.
Anh kiếm dầu cho ngọn đèn của mình
Không có em trong nỗi buồn đang cháy.

Anh trở thành bông hoa hồng héo khô
Thành bọt nước mà dòng đang quánh lại
Trở thành tro, anh nằm trong bếp lò
Không có em trong nỗi buồn đang cháy.

Những bóng đen chỉ đường cho ta mau
Những vết bỏng xin các người băng lại
Nói với em ở trên ngọn lửa nào
Không có em trong nỗi buồn đang cháy.

Anh đang sống trong ngôi nhà của mình
Không ăn uống, anh khát khao lắm vậy.
Anh sống đây chịu đựng nỗi cực hình
Không có em trong nỗi buồn đang cháy.



KẺ CÔ ĐƠN TỘI NGHIỆP

Kẻ cô đơn tội nghiệp đi tìm em –
Kho châu báu và anh tìm ra được
Người đẹp ơi, biết không, anh đi tìm
Và thấy em như người anh mơ ước.

Con chim non, em từ đâu đến vậy?
Bờ mi em như một mảnh trăng thề…
Em khóc lên tựa hồ như mãi mãi
Người yêu của mình đã bỏ ra đi?

Xin em chớ buồn, em không đơn lẻ
Gương mặt như trăng, mái tóc đen huyền
Dù chưa phải người yêu nhưng anh sẽ
Đến muôn đời anh sẽ ở bên em.

Anh khát khao bằng tất cả trái tim
Mong cho em không bao giờ cô độc
Mong cho em không nếm mùi xa cách
Và anh mong hạnh phúc cho mình.



KỂ TỪ KHI

Kể từ khi sống cuộc đời ô nhục
Hồn không yên. Anh chẳng biết làm sao?
Kể từ ngày với người yêu xa cách
Đời chán chường. Anh chẳng biết làm sao?

Biết làm sao? Ngọn đèn vui lấp lánh
Có giúp được gì cho kẻ đang yêu
Chứ bây giờ tai hoạ đầy mọi chốn
Sức không còn. Anh chẳng biết làm sao?

Anh bảo: đến với anh – và em đi đến đấy
Anh bảo: vào đây – và em đã ghé vào.
Anh mất rồi, hãy tìm – và em tìm thấy
Nhưng hồn bỗng lạ lùng – anh biết làm sao?

Anh tin chắc: đã đến lúc lên đường
Theo ý trời anh phải đi vội vã
Quên phiền muộn, đi tìm gặp người thương
Còn nếu không? Chẳng biết làm sao cả?


TÂM HỒN ANH ĐAU LẮM

Tâm hồn anh đau lắm
Anh mong được chữa lành
Anh thở bằng hy vọng
Rằng sẽ được gặp em.

Hoạ mi đừng dữ dội
Hoa hồng hãy dịu êm
Hoa hãy thương ta với
Đừng tỏ vẻ ngạc nhiên.

Em đốt anh cháy lên
Em – ngôi đền anh dựng
Khi cầu nguyện anh nhìn
Vào em như ân sủng.

Đôi mắt em sáng tỏ
Và cháy bỏng bờ môi…
Ai tình yêu lìa bỏ
Chỉ có đáng thương thôi.

Em đã biết anh rồi
Sao gặp anh em tránh
Em quay đi im lặng
Để nước mắt đầy vơi…



NGƯỜI CON GÁI MẮT ĐEN

Người con gái mắt đen, tim anh đang vỡ
Để lấy ra mũi tên, em hãy đến đây.
Em đến để chữa lành cho anh nỗi khổ
Anh đang yêu, đang chết dần, em hãy đến đây.

Anh là thành phố bị kẻ thù bao vây
Là tù binh sắp bị đem xử bắn
Là người tù bơ phờ, tay chân bủn rủn
Hãy cứu anh thoát cảnh này, em hãy đến đây.

Mọi thứ trên đời này đều dễ dàng mua được
Nhưng hạnh phúc thì thật khó lắm thay
Layla của Madzhnun cũng đã từng mơ ước
Anh tha thiết gọi tình, em hãy đến đây.

Thân xác đau, con tim dần nguội lạnh
Mơ ước của anh, tất cả phí hoài
Bầu trời đen. Cuộc đời đã cháy sém
Để nhìn thấy tro tàn, em hãy đến đây.